0

Rối loạn nhân cách tránh né: Triệu chứng và nguyên nhân | Safe and Sound

Biểu hiện chung của chứng rối loạn nhân cách tránh né là sự ức chế tâm lý về mặt xã hội, tự đánh giá thấp bản thân và rất nhạy cảm đối với phán xét không thuận lợi của người khác đối với mình. Theo các chuyên gia tâm lý, những người mắc chứng rối loạn tâm lý này thường tự cô lập bản thân khi ra ngoài vòng tròn gia đình hay bạn bè.

Ngô Thị Sáng | Thạc sĩ Giáo dục học – Viện tâm lý và sức khoẻ tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng và Phát triển

1. Thế nào là rối loạn nhân cách tránh né?

Rối loạn nhân cách tránh né thuộc nhóm C, là một dạng rối loạn tâm lý, một trạng thái không bình thường của nhân cách, biểu hiện chung là sự ức chế tâm lý về mặt xã hội, tự đánh giá thấp bản thân và rất nhạy cảm với những phán xét không thuận lợi của người khác đối với mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, người mắc rối loạn nhân cách tránh né cực kỳ ngại ngùng và dễ bị tổn thương bởi những dấu hiệu không hài lòng dù là nhỏ nhất từ những người khác. Vì thế, người mắc rối loạn tâm lý này thường thường tránh những hoạt động trong xã hội hay công việc đòi hỏi giao tiếp giữa người với người.

Ảnh 1: Chứng rối loạn nhân cách né tránh

Các chuyên gia tâm lý cho biết, cách nghiên cứu cho thấy khoảng 10-50% những người có rối loạn hoảng sợ với chứng sợ khoảng trống đồng thời mắc rối loạn nhân cách tránh né, và tỉ lệ này là khoảng 20-40% với những người có nỗi ám ảnh xã hội (rối loạn lo âu xã hội).

Nếu không được điều trị, người mắc rối loạn tâm lý này có thể trở lên bị cô lập khỏi xã hội, về lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn với công việc và các hoạt động xã hội. Họ cũng có nguy cơ bị trầm cảm và lạm dụng chất

2. Triệu chứng của chứng rối loạn nhân cách né tránh

Dựa theo DSM-V, các chuyên gia tâm lý cho biết, một người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh nếu họ có tối thiểu 4 (hoặc nhiều hơn) các biểu hiện sau:

- Người bệnh tránh né các hoạt động xã hội, nghề nghiệp liên quan đến các mối quan hệ cần thiết vì sợ bị phê bình, bị phản đối hoặc bị từ chối.

- Không muốn thiết lập mối quan hệ với người khác trừ khi chắc chắc mình được yêu thích.

- Thường có tâm lý dè dặt trong các mối quan hệ thân mật với người khác vì sợ hổ thẹn hay chế nhạo.

- Quan tâm quá mức đến việc bị phê bình hoặc từ chối trong các tình huống xã hội.

- Tâm lý bị ức chế trong các mối quan hệ mới vì có cảm giác là không xứng đáng.

- Tự nhận thấy bản thân không có năng lực về mặt xã hội, không được lôi cuốn hay thua kém hơn người khác.

- Thường ngại ngùng khi nhận các trách nhiệm hoặc tham gia các hoạt động mới vì sợ bị lúng túng.

Mặc dù người mắc rối loạn nhân cách tránh né rất muốn được yêu thích bởi người khác, nhưng nỗi sợ tâm lý bị từ chối và không được chấp nhận càng lớn hơn khiến cho họ càng ngại ngùng, tránh né đám đông và các hoạt động xã hội.

Rất khó phân biệt được rối loạn nhân cách tránh né và rối loạn lo âu xã hội. Có nhiều chuyên gia tâm lý và bác sỹ tâm thần cho rằng hai rối loạn tâm lý này là một. Tuy nhiên, những người mắc rối loạn nhân cách tránh né thường có chiều hướng lảng tránh nhiều hơn và có rất ít các mối quan hệ thân thiết, còn những người mắc rối loạn lo âu xã hội thì có thể có nhiều bạn bè nhưng sợ phải làm gì đó trước mặt họ vì tâm lý e ngại sẽ bị đánh giá.

Ảnh 2: Không muốn thiết lập mối quan hệ với người khác

3. Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn nhân cách tránh né

Cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có nhận định rõ ràng về nguyên nhân dẫn tới chứng rối loạn nhân cách tránh né. Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn tới rối loạn tâm lý này bao gồm yếu tố sinh học, yếu tố tâm lý và yếu tố xã hội. Những yếu tố này không tác động một cách riêng lẻ mà kết hợp với nhau tạo thành nguy cơ dẫn tới bệnh tâm lý.

3.1. Yếu tố sinh học

Các nghiên cứu cho thấy, rối loạn nhân cách tránh né thường xuyên xảy ra trong một số gia đình thông qua gen. Tính cách – cái có khả năng di truyền một phần từ cha mẹ sang thế hệ sau được cho là có liên quan. Trong mô hình năm yếu tố: tính cách, hướng ngoại, tận tâm, dễ chịu, sẵn sàng trải nghiệm và cảm xúc âm tính, hay tính rối loạn thần kinh chức năng thì tính rối loạn thần kinh chức năng và hướng ngoại có phần trăm di truyền cao, khoảng 30%. Những người có chỉ số rối loạn thần kinh chức năng cao thì dễ trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực. Họ phản ứng rất tệ với stress và thường lý giải những tình huống bình thường dưới dạng nguy hiểm, đáng lo ngại và những khó khăn nhỏ là cực kỳ tuyệt vọng. Với những người mắc rối loạn nhân cách tránh né thì họ có chỉ số rối loạn thần kinh chức năng cao và chỉ số hướng ngoại thấp.

3.2. Yếu tố tâm lý

Theo thuyết nhận thức của Beck, hầu hết chúng ta qua kinh nghiệm sống, đặc biệt là những trải nghiệm thời thơ ấu, đều có những hệ thống nhận thức gọi là sơ đồ. Những sơ đồ này cho phép chúng ta phân tích những thông tin nhận được và lí giải nó theo cách có ý nghĩa với chúng ta. Tuy nhiên, sự thiếu thích nghi và phản ứng sai lệch của cá nhân đối với môi trường và các sự kiện dẫn đến những biểu hiện không thích hợp của các sơ đồ tư duy đó. Beck coi sơ đồ chính gây ra rối loạn nhân cách là. bộ ba nhận thức liên quan tới bản thân, người khác và tương lai. Đối với rối loạn nhân cách tránh né, sơ đồ thể hiện như sau:

  • Bản thân: về mặt xã hội lạc lõng và thiếu bản lĩnh
  • Người khác: Phê phán ngầm, không thích thú và đòi hỏi
  • Tương lai: Bản thân vô giá trị và không được ai yêu thương

Ảnh 3: Yếu tố tâm lý gây chứng rối loạn nhân cách tránh né

3.3. Yếu tố xã hội

Lý giải nguyên nhân gây ra rối loạn tâm lý này dưới yếu tố xã hội như sau: Cá nhân sống trong một cộng đồng hay bị chỉ trích hoặc không được chấp nhận sẽ tạo ra cơ chế phòng thủ, một cách đơn giản mà họ nghĩ rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là tránh né các mối quan hệ xã hội có nguy cơ.

: Rối loạn nhân cách tránh né: Triệu chứng và nguyên nhân | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound